Trên không
gian mạng hiện nay, khi nói đến vấn đề Quân đội tham gia lao động sản xuất,
phát triển kinh tế đất nước còn có luồng dư luận cho rằng: “Quân đội không nên
làm việc đó mà tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”. Thoáng
qua, loại ý kiến này có lý, nhưng xét từ bản chất, truyền thống của Quân đội ta
thì ý kiến đó không phù hợp. Bởi, nếu chỉ tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn
sàng chiến đấu (vẫn biết rằng đây là nhiệm vụ chủ yếu và nòng cốt của Quân đội)
thì không tận dụng được nguồn vật chất kỹ thuật mà Quân đội đang quản lý còn
nhàn rỗi để tham gia phát riển kinh tế - xã hội; dẫn tới tiềm lực vật chất quốc
phòng sẽ suy giảm, gánh nặng ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng sẽ tăng
nhanh chóng, ảnh hưởng tới nợ công và nền kinh tế nước ta. Đồng thời, không rèn
luyện và phát huy được tay nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở những đơn vị
quân đội có khả năng tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế
cho thấy, cơ sở vật chất quốc phòng của bất kỳ quốc gia nào đều tồn tại ở 2
dạng là dự trữ trong Quân đội (dự trữ nóng) và dự trữ tiềm tàng trong nền kinh
tế quốc dân (khi cần có thể huy động). Việc dự trữ nóng tuy dễ dàng sử dụng khi
có tình huống quốc phòng nhưng rất tốn kém do phải mua, cất chứa và bảo trì.
Đơn cử, để có 100 chiếc trực thăng vận tải loại EC-225, Nhà nước phải đầu tư
10.000 tỷ đồng mua trang bị, chi phí cất chứa và bảo đảm kỹ thuật cho một vòng
đời máy bay (khoảng 20 năm) ít nhất là 600 tỷ (khoảng 6% giá trị trang bị),
khiến tổng chi phí sẽ là 10.600 tỷ đồng. Như vậy, chi phí cho toàn bộ hệ thống
trang thiết bị quân sự sẽ cao hơn rất nhiều.
Nếu cơ sở
vật chất quốc phòng được dự trữ trong nền kinh tế, như: ôtô, tàu thuyền, các cơ
sở sản suất, cảng biển,… sẽ ít tốn kém do chỉ phải chi phí về công tác đăng ký
quản lý; nhưng tỷ lệ trang bị ảo rất cao, khả năng huy động chậm, tài sản cố
định hữu hình bị khấu hao nên dự trữ kỹ thuật không đúng theo dự kiến. Do vậy,
phần lớn các nước chọn giải pháp kết hợp giữa 2 loại hình dự trữ này để củng cố
vật chất quốc phòng. Ở Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm truyền thống,
Đảng ta chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng là vấn đề cốt lõi trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Để bảo đảm trang bị, vật chất cho
bất kỳ tình huống nào thì Quân đội cần phải nắm một số cơ sở vật chất quan
trọng đủ để phục vụ chiến đấu trong những ngày đầu chiến tranh. Trừ các loại vũ
khí, trang bị bắt buộc phải dự trữ nóng thì những trang bị có tính chất lưỡng
dụng, như: thông tin - viễn thông, vận tải, gia công cơ khí, xây dựng,… rất cần
thiết phải đưa ra làm kinh tế vì các lý do:
Tận dụng công suất dư thừa để
phục vụ nền kinh tế.
Các hệ
thống trang bị có thể phục vụ cho quốc phòng và sản xuất hàng quốc
phòng sẽ không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dám đầu tư, vì: dây
chuyền máy móc rất đắt tiền; chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực tốn kém;
bảo trì, sửa chữa khó khăn; không bao giờ hoạt động hết công suất trong thời
bình (lắp đặt dự trữ công suất cho thời chiến),… khiến việc thu hồi vốn là
không thể. Vì vậy, khi Nhà nước đã đầu tư thì các đơn vị quốc phòng cần tận
dụng công suất dư thừa để sản xuất các mặt hàng dân dụng, như: Bao bì, hòm hộp,
các chi tiết máy móc, sản phẩm nhôm, inox, cao su; cung cấp các dịch vụ sửa
chữa,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Giúp chuyển giao công nghệ, đào
tạo và duy trì nguồn nhân lực.
Công nghệ
quân sự là bí quyết của mỗi quốc gia, nó chỉ được chuyển giao khi có cái mới
thay thế. Quá trình chuyển giao khá lâu dài do phụ thuộc lộ trình hợp tác giữa
Chính phủ các nước; dẫn tới chỉ có Nhà nước mới có khả năng tiếp nhận công nghệ
quân sự từ nước ngoài, đào tạo nhân lực ban đầu để khai thác các hệ thống thiết
bị quân sự đã đầu tư. Để duy trì, nâng cao chất lượng và mở rộng nguồn nhân lực
trên lĩnh vực đó, Bộ Quốc phòng phải cho các đơn vị nắm giữ công nghệ tham gia
quá trình sản xuất thương mại các sản phẩm công nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển
giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp ngoài Quân đội; tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp đó có thể sản xuất hàng cung cấp cho quốc phòng khi
có yêu cầu; đặc biệt là các mặt hàng có yêu cầu hàm lượng khoa học cao, như:
điện tử kĩ thuật cao, luyện kim, hoá chất, đóng tàu v.v.
Nâng cao số lượng, chất lượng và
khả năng chiến đấu của trang bị, đẩy
mạnh nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự.
Bằng việc
kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ xã hội, các doanh nghiệp quân đội đã
thu được nguồn vốn không nhỏ; không những có thể bù chi phí bảo trì máy móc và
hao phí tài sản cố định, mà còn đủ để tái đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống
trang bị, nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng và xã hội. Đơn
cử, tập đoàn Viettel khi mới thành lập (năm 1989) chỉ hoạt động xây dựng các
công trình viễn thông (ăng ten, tuyến vi-ba, cáp quang,…); sau đó cung cấp thêm
các dịch vụ điện thoại cố định, VoIP quốc tế, truy cập Internet; tiến tới cung
cấp các dịch vụ di động, viễn thông. Hiện nay, Viettel đã cung cấp dịch vụ và
cơ sở hạ tầng viễn thông ở 9 quốc gia với hơn 60 triệu thuê bao trên toàn cầu;
nâng cấp mạng điện thoại quân sự từ tổng đài thủ công thành tự động, trang bị
điện thoại quân sự 6 số đến cấp đại đội trong toàn quân. Đặc biệt, Viettel
triển khai lắp đặt hơn 300 điểm cầu truyền hình cho các đơn vị quân đội trong
cả nước,… góp phần nâng cao khả năng chỉ huy và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của
Quân đội. Bên cạnh việc sản xuất các thiết bị di động giá rẻ cung cấp cho thị
trường, Tập đoàn còn nghiên cứu sản xuất thành công nhiều thiết bị quân sự,
như: máy điện thoại cố định, máy vô tuyến điện VRU-25, hệ thống thông tin di
động,… nhất là các thiết bị có hàm lượng công nghệ cao, như: ra-da, thiết bị
bay không người lái, góp phần tự chủ hóa hệ thống vũ khí trang bị của Việt Nam.
Những đóng
góp của các công ty, doanh nghiệp quân đội cho nền kinh tế và nền quốc phòng
toàn dân là rất to lớn, khó đong đếm được. Nhưng cơ sở vật chất quốc phòng được
nâng cao là nhờ Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét