Cuối thế XIX, đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam bế tắc
về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức của chế độ thực
dân, phong kiến. Nhiều phong trào yêu nước do các sĩ phu yêu nước tiến hành đều
không mang lại hiệu quả thiết thực. Trước tình hình đó, người thanh niên yêu nước
- Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau bao nhiêu năm bôn
ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác -
Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Người mới tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin và Cách mạng
Tháng Mười như là một cẩm nang thần kỳ của con đường giải phóng giai cấp, giải
phóng dân tộc Việt Nam. Như một cuộc hẹn lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn
con đường giải phóng dân tộc Việt Nam là đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười:
“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có
con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó là sự lựa chọn hoàn
toàn chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng cháy bỏng của
nhân dân ta.
Thực tiễn đã chứng
minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí
Minh, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: tiến hành
Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
đánh thắng Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ
nhân dân, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ
những giá trị bất hủ của Cách mạng Tháng Mười, từ những bài học thành công và
thất bại của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới, Đảng Cộng sản
Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục giành nhiều thành tựu
quan trọng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được sáng tỏ.
Đánh giá thành tựu 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng
khẳng định: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn,
những thuận lợi cơ bản có ý nghĩa nền tảng, đảm bảo cho sự phát triển, chúng ta
còn phải khắc phục nhiều nguy cơ, khó khăn, trở ngại, như tệ quan liêu, tham
nhũng, lãng phí; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế đạt ở mức
khá, nhưng nguy cơ tụt hậu so với trình độ chung của thế giới và khu vực ngày
càng lớn. Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội tuy được giải quyết một bước
rất quan trọng, song những khó khăn và mâu thuẫn tiềm ẩn vẫn có nguy cơ bùng
phát. Mặc dù tỷ lệ đói nghèo đã giảm rất nhiều, nhưng sự phân hoá giàu nghèo
ngày càng trở thành một áp lực lớn... Đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ đã và đang cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thêm
vào đó, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng
nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và nhiều thủ đoạn
tinh vi, xảo quyệt khác. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân ta phải phấn đấu nỗ lực
không ngừng để vượt qua những trở ngại, thách thức, thực hiện thành công các mục
tiêu mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Trước
mắt cần tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo
hướng hiện đại; quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân
dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc
phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng quân đội nhân
dân và công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại; tăng
cường xây dựng chỉnh đốn đảng, khắc phục và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét