Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ cho đến nay đã gần 30 năm. Tuy còn nhiều khó
khăn, thách thức, nhưng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã vượt qua cơn chấn
động chính trị, kiên cường đấu tranh để trụ vững và phát triển. Những mưu toan
xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trước những năm cuối thế kỷ XX của các thế lực thù địch
đã thất bại. Nhìn chung, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân các
nước Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên và công cuộc phát triển chế độ dân
chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân Lào đều đang tiến triển tốt
đẹp. Các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã đề ra
đường lối cải cách, đổi mới đúng đắn, sáng tạo, coi trọng tổng kết thực tiễn,
phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù
hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước mình, phù hợp với xu thế thời đại. Nhờ
đó, đã tạo ra thế và lực vượt xa thời kỳ những năm 90 của thế kỷ XX. Điều này
đã được nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và cả thế giới ghi nhận.
Sự kiên cường
trụ vững và phát triển mới của các nước xã hội chủ nghĩa đã thực sự trở thành tấm
gương sáng cho những người cộng sản và nhân loại tiến bộ trên thế giới trong đấu
tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bằng chứng là,
trong những năm qua, tuy trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, nhưng phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế đã có những bước phục hồi. Nhiều đảng đã thông qua được
cương lĩnh chính trị, đánh dấu sự thoát ra khỏi khủng hoảng về đường lối. Đáng
chú ý là trào lưu cánh tả ở Mỹ Latinh, trong đó nổi bật là Vênêzuêla, trong nhiệm
kỳ của mình, Tổng thống Hugo Chavez nhiều lần tuyên bố Vênêzuêla đang quá độ
lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó khẳng định Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục soi
sáng con đường phát triển của cách mạng thế giới, chứ không như một số người lầm
tưởng.
Hiện tại
chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ
áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản,
nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất
với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được
mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục
xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của
nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Theo quy luật tiến
hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Loài người
càng không thể đi theo "con đường thứ ba" như chủ nghĩa xã hội dân chủ
hiện đại ca ngợi. Bởi, xét về thực chất, chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại chỉ
là một sự chấp nhận "cộng sinh" với chủ nghĩa tư bản. Cho nên, các chủ
chương, chính sách của chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại chỉ là một biến tướng
nằm trong khuôn khổ phương thức tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét