Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA ĐÃ TẠO RA TIỀN ĐỀ THÚC ĐẨY PHONG TRÀO CỘNG SẢN QUỐC TẾ NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN

Trong lịch sử phong trào công nhân quốc tế, sau khi Ph.Ăngghen qua đời (8-1895), kể từ Đại hội lần thứ IV (họp tháng 8 năm 1896 ở Luân Đôn), cơ quan lãnh đạo của Quốc tế thứ hai dần dần rơi vào tay các phần tử cơ hội chủ nghĩa, đứng đầu là E.Bergstain. Họ phủ nhận chuyên chính vô sản, liên minh công nông và tư tưởng về chuyển cách mạng dân chủ tư sản lên cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), tuyên truyền thuyết ''hòa bình giai cấp'' và thuyết ''chủ nghĩa tư bản hòa bình nhập vào chủ nghĩa xã hội''... Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đối lập với những người Bônsêvích giữ lập trường chống chiến tranh đế quốc, các phần tử cơ hội trong Quốc tế thứ hai đã công khai đứng về phía giai cấp tư sản nước họ, ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa. Cũng vì thế khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Quốc tế thứ hai, dưới sự thao túng của các phần tử cơ hội, đã không còn đủ uy tín và khả năng lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế và bắt đầu bị phân hóa, tan rã.
Ngay từ năm 1914, V.I.Lênin đã nhận thức rõ sự cần thiết phải thành lập một tổ chức quốc tế mới cho phong trào công nhân cách mạng. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, khi nhận thấy những điều kiện thành lập Quốc tế cộng sản đã chín muồi, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã tích cực tiến hành tập hợp những lực lượng cách mạng chân chính, tiến tới thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản. Tháng 01 năm 1918, Hội nghị Đại biểu phái tả trong các Đảng Xã hội - Dân chủ đã họp ở Petrograd. Hội nghị nêu rõ sự cần thiết phải triệu tập một Hội nghị quốc tế của các chiến sĩ cách mạng chân chính trên thế giới, đồng thời đưa ra những điều kiện để một đảng có thể tham gia như:  tán thành con đường đấu tranh chống chính phủ đế quốc nước mình; ủng hộ Cách mạng Tháng Mười và nước Nga Xôviết. Tháng 0l năm 1919, ở Moskva, Hội nghị của các đại biểu 8 đảng mácxít là Nga, Ba Lan, Hungaria, Đức, Áo, Látvia, Phần Lan và Liên hiệp cách mạng Bancăng đã họp dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin[1]. Đây được coi như Hội nghị trù bị cho đại hội thành lập.
Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản được khai mạc ở Moskva và họp từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 03 năm 1919. Tham dự Đại hội có các đại biểu của 19 đảng và nhóm, có quan sát viên 15 nước. Mặc dù bị cản trở, nhưng đông đảo các đảng phương Tây đều cử đại biểu đến dự và lần đầu tiên có sự tham dự của đại biểu các đảng phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên[2]. Sự có mặt của các đại biểu các nước phương Đông đã chứng tỏ Quốc tế thứ ba không chỉ là tổ chức của giai cấp công nhân các nước tư bản chủ nghĩa, mà còn là tổ chức của quần chúng công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Việc Quốc tế cộng sản (Quốc tế III) được thành lập đã đánh dấu sự ra đời của Phong trào Cộng sản quốc tế độc lập với Trào lưu Xã hội dân chủ (ra đời tháng 5 năm 1923 với việc 2 nhóm: Quốc tế II và Quốc tế Hai rưỡi (IWUSP) hợp nhất thành Quốc tế Lao động và Xã hội đã chấm dứt giai đoạn “khủng hoảng về đường lối” trong phong trào công nhân quốc tế.
Có thể nhận thấy rằng, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, cùng sự ra đời Quốc tế Cộng sản, một thời đại mới của phong trào cộng sản thế giới bắt đầu. Những năm 1919-1921, các đảng cộng sản đã được thành lập ở nhiều nước, đứng trên lập trường đấu tranh giai cấp, còn về tư tưởng và tổ chức thì đoạn tuyệt hẳn với các đảng xã hội - dân chủ cơ hội trước đó. Trong những năm này, nhiều đảng cộng sản đã được thành lập ở Đức, Áo, Hung, Ba Lan, Phần Lan, Áchentina, Hy Lạp, Mỹ, Anh, Pháp, Bungari, Hà Lan, Mêhicô, Nam Tư, Braxin, Tây Ban Nha, Inđônêxia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc, Rumani, Trung Quốc, Bỉ, Thụy Điển, Italia và một số nước khác[3]. Việc thành lập các đảng cộng sản đã đem lại khả năng thực tế cho cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể đấu tranh giành thắng lợi ở những nước này. Các nhà hoạt động ưu tú của phong trào xã hội chủ nghĩa và công đoàn thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười đã trở thành những đảng viên của các đảng cộng sản. Cùng với họ, nhiều nhà cách mạng khác đã gia nhập đảng cộng sản, trong đó có các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng như Rômanh Rôlăng, Máctin Anđécxen Nếchxe, Lỗ Tấn, Têôdo Đơraide, Anatôn Phơrăng… Họ đều đứng về phía Cách mạng Tháng Mười. Sự ra đời Quốc tế Cộng sản (1919) là dấu mốc đối với phong trào cộng sản quốc tế - hạt nhân lãnh đạo, tiên phong của phong trào công nhân cách mạng chính thức đi vào hoạt động. Cách mạng Tháng Mười đã trở thành cái nôi của phong trào cộng sản thế giới, một phong trào chính trị to lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển theo hướng tiến bộ của thế giới tròn một thế kỷ nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét