Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh ra một chế độ biết tự bảo vệ thành quả cách mạng, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và thiết lập các quan hệ đối ngoại trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản


Cách đây một trăm năm, nhân loại đã chứng kiến một sự kiện lịch sử làm “rung chuyển thế giới” - Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi. Đây là cuộc cách mạng vô sản vĩ đại nhất trong lịch sử xã hội loài người, mang tầm vóc thời đại mới. Cách mạng Tháng Mười đã chính thức khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực - một chế độ xã hội hoàn chỉnh, thể hiện diện mạo sự tiến bộ, ưu việt ngay từ khi ra đời.
Trong tiến trình lịch sử nhân loại đã từng diễn ra hàng trăm cuộc cách mạng, nhưng đó chỉ là sự thay thế chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, chứ không phải là xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột. Công xã Pari năm 1871 là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, đã hình thành những mầm mống phôi thai cho một thiết chế xã hội tiến bộ. Tuy nhiên, Công xã chỉ tồn tại được 72 ngày, sau đó bị giai cấp tư sản và thế lực phản động phản công lại, dìm phong trào cách mạng trong tuần lễ đẫm máu. Thất bại của Công xã Pari là thất bại của sự chưa trưởng thành, chưa chín muồi các yếu tố khách quan và chủ quan của cuộc cách mạng vô sản; chủ nghĩa xã hội vẫn chỉ là khát vọng, lý tưởng của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ. Đến Cách mạng Tháng Mười mới thực sự kiến tạo ra một chế độ xã hội khác hẳn về chất, mang lại những giá trị đích thực cho giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân.
        Chế độ xã hội chủ nghĩa mới ra đời chỉ có thể tồn tại và phát triển khi kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo, xây dựng và bảo vệ. Ngay trong đêm 25/10 năm 1917, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta bảo vệ “chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc”, bảo vệ nước Cộng hòa Xôviết với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”. Nội dung bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải toàn diện, cả về tự nhiên - lãnh thổ và chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Để tạo ra sức mạnh tổng hợp bảo vệ tổ quốc, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đặt lên hàng đầu vai trò lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, sự tổ chức quản lý của Nhà nước Xôviết. Về tổ chức, đã thành lập Mặt trận quân sự thống nhất, thi hành chính sách “khủng bố đỏ” đối với bọn phản động; thành lập Hội đồng Quốc phòng công nông, Hồng quân công nông và ban bố Sắc luật thành lập Hồng Hải quân công nông (Hạm đội Đỏ - tháng 01 năm 1918), thành lập Ủy ban đặc biệt toàn Nga, xây dựng lực lượng công an, kết hợp với xây dựng các tổ chức quần chúng như cận vệ thanh niên, kiểm soát công nhân, các đội thiếu niên, phụ nữ và tạo điều kiện để các tổ chức này tham gia công tác bảo vệ an ninh. Với những chủ trương, biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực, sự đa dạng, phong phú về hình thức, Đảng và Nhà nước Xôviết đã tập hợp, huy động mọi lực lượng vật chất và tinh thần, động viên cao nhất tinh thần cách mạng của quần chúng công nông, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
        Về quan hệ đối ngoại, ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước Xôviết đã tuyên bố với thế giới một chính sách đối ngoại hoà bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ giữa các quốc gia. Ngay trong đêm 26/10/1917, Đại hội II các Xôviết toàn Nga đã thông qua Sắc luật hòa bình. Đây là văn kiện đầu tiên trong lịch sử về chính sách đối ngoại, thể hiện rõ nguyên tắc dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc trong quan hệ quốc tế; thái độ dứt khoát của những người cộng sản đối với việc phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Đồng thời, khẳng định việc thương lượng, đàm phán để ký kết một hòa ước dân chủ, công bằng, tránh đổ máu là tâm nguyện của hàng triệu người dân Nga và Châu Âu. Với Sắc luật hòa bình, quyền đấu tranh của các dân tộc được đề cập, chiến tranh xâm lược bị lên án, bị coi là tội ác lớn nhất chống lại loài người. Cùng với chủ trương nước Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác cùng có lợi, Nhà nước Xôviết đã từng bước phá vỡ chính sách bao vây, cô lập của các nước phương Tây và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

        Có thể nói, sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã ra đời ở nước Nga, Liên Xô, khẳng định những giá trị tiến bộ, ưu việt trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là một quá trình lôgic - biện chứng lịch sử giữa lý luận khoa học và thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động tiến bộ, dưới sự lãnh đạo của chính đảng tiền phong và những lãnh tụ cộng sản kiệt suất. Hiện nay, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, thoái trào, nhưng chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn đang tồn tại và có nhiều triển vọng phát triển, bởi sự sinh thành của nó vẫn còn nguyên giá trị./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét