Sau khi Cách mạng Tháng Mười
thắng lợi, những người Bônsêvích Nga đã phải kiên cường đấu tranh chống lại các
thế lực tư sản, phản động. Kẻ thù luôn lớn tiếng vu cáo những người Bônsêvích “đảo
chính”, “tiếm quyền”. Chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Mười là “sự đi chệch” khỏi
con đường phát triển chính thống của nhân loại; không tính đến các tiền đề kinh
tế - xã hội cho sự thắng lợi của CNXH ở nước Nga. Các phần tử cơ hội, xét lại
cũng tìm đủ mọi cách xuyên tạc rằng, Cách mạng Tháng Mười là “diễn ra không
theo Mác”, là “từ bỏ chủ nghĩa Mác”,...
Sau khi chế độ XHCN ở Đông
Âu và Liên Xô sụp đổ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, sự chống
phá của các thế lực thù địch lại càng quyết liệt hơn. Chúng lớn tiếng bôi nhọ,
phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, tuyên bố về “hồi kết
thúc”, “sự cáo chung” của CNXH hiện thực; sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa
Mác - Lênin. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở
Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin, sai lầm của Cách
mạng Tháng Mười. Chúng đưa ra nhiều lý thuyết về “chủ nghĩa xã hội dân chủ”,
“chủ nghĩa xã hội phi mác-xít”...; ca ngợi “tính đúng đắn” của chủ nghĩa cải
lương tư sản; phủ nhận vai trò Đảng Cộng sản, đòi “đa nguyên, đa đảng”,...
Cả lý luận và thực tiễn đấu
tranh cách mạng, xây dựng CNXH trên thế giới những năm qua đã bác bỏ những luận
điệu thù địch đó. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga,
càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự “cuồng nhiệt của ý chí chủ quan,
không tưởng” của một cá nhân nào đó như kẻ thù thường rêu rao, xuyên tạc, bóp
méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng XHCN.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dẫu rằng có nhiều quanh co, phức tạp, thăng
trầm, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười vạch
ra không hề thay đổi.
Hiện nay, giá trị, sức sống
của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới,
cải cách ở các nước đang kiên trì con đường XHCN như Trung Quốc, Việt Nam,
Cu-ba,... Những thành tựu to lớn ở các nước XHCN còn lại đang là tác nhân thúc
đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới.
Các phong trào cánh tả ở Tây Âu và Mỹ La-tinh, chính phủ nhiều nước do các đảng
cánh tả cầm quyền tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất
nước theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”,...
Đi theo con đường Cách mạng
Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh
sáng lập, giáo dục và rèn luyện, hơn 80 năm qua, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn hơn. Hiện nay, nhân dân ta dưới sự
lãnh đạo của Đảng vẫn kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và CNXH, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn con đường phát
triển đất nước ta hiện nay. “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất
định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của
chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, phát
huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới
là tiếp tục khẳng định sức sống bền vững, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng
Mười.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét