Tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay đã “làm tổn thương tình cảm và suy giảm
niềm tin của nhân dân đối với Đảng”, nếu không bị ngăn chặn, đẩy lùi, thì đây sẽ
“là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Chính vì vậy,
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu
quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ là một
nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.
Suy
thoái tư tưởng chính trị được hiểu là sự biến đổi về phẩm chất chính trị của mỗi
người theo chiều hướng xấu, từ chỗ nể nang, ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ,
lười học tập lý luận chính trị... dần dần đi đến xa rời những nguyên tắc, tôn
chỉ, mục đích của Đảng, giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Sự suy
thoái về tư tưởng chính trị thường diễn ra từ từ, thầm lặng, trong một quá
trình dài với những mức độ khác nhau, thể hiện ở nhận thức, thái độ, lời nói,
hành vi của con người. Suy thoái đạo đức, lối sống là sự xuống cấp về đạo đức,
thay đổi lối sống theo hướng tiêu cực, phá vỡ các chuẩn mực đạo đức và những
giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Muốn
ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống phải bắt đầu từ việc cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”. “Tự soi, tự sửa”
là mỗi người tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm
khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa.
Việc
“tự soi, tự sửa” đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có tính tự giác, thật thà
và trung thực, nhất là khi “tự soi, tự sửa” những hạn chế, khuyết điểm của bản
thân. Các biểu hiện suy thoái, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị thuộc phạm
trù ý thức, nó ẩn khuất, ngấm ngầm trong suy nghĩ, trong tư tưởng con người,
nhiều khi được che đậy kín đáo, rất khó phát hiện, nếu cán bộ, đảng viên không
nghiêm túc và tự giác “tự soi” mình thì việc “tự sửa” sẽ khó mang lại kết quả.
“Tự
soi, tự sửa” theo các biểu hiện nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, (khoá XII)
là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi vì, các biểu
hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ yếu từ mình mà ra và tự mình
là chính. Cho nên, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình soi xét, khi thấy
có biểu hiện suy thoái phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục. Cấp ủy, tổ
chức đảng dù có tích cực giáo dục đến mấy và công tác kiểm tra, giám sát có chặt
chẽ đến đâu, nhưng nếu cán bộ, đảng viên không tự giác, không kiên quyết thì rất
khó đẩy lùi những biểu hiện thuộc về ý thức của con người.
Việc
“tự soi, tự sửa” phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy
lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của
mình và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên như “ngày nào cũng ăn
cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”.
Để
việc “tự soi, tự sửa” đạt hiệu quả cao hơn, cần có môi trường tốt để cán bộ, đảng
viên phát huy tính tự giác của mình, đó là chi bộ thực sự vững mạnh, đoàn kết.
Chi bộ là nơi cán bộ, đảng viên hàng ngày tiếp xúc với nhau, đối diện với nhau;
ở đó, cái tốt, cái chưa tốt, cái tích cực, cái tiêu cực,... đều được bộc lộ rõ.
Nếu trong sinh hoạt chi bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được thực hiện tốt
và phát huy cao độ; người đứng đầu cấp ủy thực sự là “thủ lĩnh”, gương mẫu
trong mọi việc, nhất là đi đầu trong việc “tự soi, tự sửa”; một tập thể cấp ủy
đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động; đội ngũ đảng viên luôn chân
thành và cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, quan tâm lẫn nhau trên tinh thần thương yêu
đồng chí, thì mọi khuyết điểm, dù nhỏ nhất sẽ được mọi người chia sẻ để cùng
nhau sửa chữa, khắc phục. Một môi trường sinh hoạt lành mạnh như thế, đảng viên
sẽ không sợ nói ra khuyết điểm của mình, mà mong muốn được mọi người giúp đỡ để
bản thân tiến bộ và trưởng thành hơn.
Mặt
khác, dù cán bộ, đảng viên có tự giác “tự soi, tự sửa”, nhưng do đặc điểm tâm
lý của con người thường có sự bảo thủ, chủ quan trong nhận thức, dễ thấy cái
sai, khuyết điểm của người khác nhưng lại khó nhận thấy mặt hạn chế, thiếu sót
của mình, cho nên, rất cần sự gợi ý, gợi mở của người đứng đầu cấp ủy và những
ý kiến đóng góp của tập thể chi bộ.
“Tự
soi, tự sửa” là công việc đầy cam go, có khi khó khăn, đau đớn, vì tự ái, vì
thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác; có khi vì sợ mất thể diện, mất uy tín mà
không dám “vạch áo cho người xem lưng”. Đó là một cuộc đấu tranh, giữa tình cảm
và lý trí, giữa sự cầu thị và tính bảo thủ, giữa mặt tốt và mặt xấu trong mỗi
con người; là thử thách thực sự đối với bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên,
đòi hỏi mỗi người muốn tiến bộ phải có dũng khí để vượt qua chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét