Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

ĐIỂM KHÁC BIỆT VỀ CHẤT CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VỚI CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG LỊCH SỬ


Khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội từng diễn ra trong lịch sử loài người là thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác, Cách mạng Tháng Mười Nga chứa đựng nội dung vô cùng sâu sắc nhằm thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử nhân loại, thời kỳ bước vào xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa mà trong đó mọi tồn tại của xã hội tư bản sẽ bị lỗi thời.
Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện trọng đại mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ lịch sử thế giới hiện đại. Cách mạng Tháng Mười đã cung cấp cho phong trào cách mạng thế giới những bài học kinh nghiệm quý giá. Đồng thời, nó thúc đẩy sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể và đã thực hiện sứ mệnh của nó. Những thành quả của Cách mạng Tháng Mười không một thế lực nào có thể phủ nhận. Bài học về Cách mạng Tháng Mười còn nguyên giá trị và đang được phát huy trong điều kiện quốc tế hiện nay.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, Liên Xô đã đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc ở thiên đường đích thực trên trái đất cho người lao động. Trên cơ sở chính quyền của nhân dân và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, người dân lao động đã có được những đảm bảo xã hội mà không một nước tư bản phát triển nào có thể đạt tới. Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới quy định chế độ làm việc 8 giờ một ngày. Người dân Liên Xô được đưa tới nơi làm việc bằng phương tiện công cộng mà không phải trả tiền, được miễn học phí tại mọi cơ sở giáo dục, từ mẫu giáo cho tới đại học. Người dân Liên Xô được khám chữa bệnh miễn phí hoàn toàn, tất cả dịch vụ đều không mất tiền. Các bà mẹ mới sinh được phát sữa miễn phí cho tới khi con được ba tuổi…
Từ một nước có nền sản xuất lạc hậu với tổng sản lượng công nghiệp đứng thứ 6 thế giới thời Đế quốc Nga (năm 1917), Liên Xô đã vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Âu, vượt qua Anh, Pháp, Đức và chỉ đứng sau Mỹ. Sản lượng công nghiệp năm 1937 đã tăng gấp 4,5 lần so với năm 1927 (gấp 20 lần so với năm 1917) và chiếm 77,4% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân. Sản xuất quốc phòng tăng 2,8 lần chỉ sau 5 năm; vũ khí trang bị và trình độ cơ giới hóa cho quân đội Liên Xô đã đạt tương đương với các cường quốc khác.[1] Năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần so với năm 1922 (năm Liên Xô thành lập), thu nhập quốc dân tăng 112 lần. Liên Xô dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực như khoa học vũ trụ, điện hạt nhân, luyện kim, công nghệ vũ khí...
          Những thành tựu về kinh tế, chính trị đã tạo thành sức mạnh giúp cho nhân dân Liên Xô đánh bại mọi cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, góp phần đẩy mạnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân, là chỗ dựa cho phong trào hòa bình và cách mạng trên thế giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên bình diện quốc tế, Liên Xô đã trở thành đối trọng cân bằng với khối tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu và là nguồn viện trợ chính cho các phong trào giải phóng dân tộc tại các nước Á-Phi-Mỹ Latinh. Điều đó khiến Mỹ và phương Tây lo ngại và tìm mọi cách chống phá. [2]
Cách mạng Tháng Mười đã mở ra thời đại mới để xây dựng một loại hình xã hội rất mới cả về lý luận và thực tiễn - loại hình xã hội thực sự là của dân, do dân, vì dân. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và tương lai của chủ nghĩa xã hội: đó là một tất yếu lịch sử nhưng nó sẽ phải là một quá trình rất phức tạp và rất lâu dài. Thực tiễn mấy chục năm qua cho phép chúng ta nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội, từ đó lựa chọn cho mình hình thức, bước đi phù hợp, tránh được những sai lầm phải trả giá. Không chỉ qua khủng hoảng, sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu, mà quan trọng hơn là qua cải cách, đổi mới với những thành tựu ban đầu của Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba… chúng ta càng nhận thức đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

         





[1] Nguyễn Anh Thái chủ biên, Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục, 2001, tr. 63-65.
[2] Nguyễn Anh Thái chủ biên, Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục, 2001, tr. 258-259. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét