Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA LÀ TẤT YẾU CÓ SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỐN SÊ VÍCH NGA

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 không chỉ làm rung chuyển thế giới bởi quy mô và độ hùng vĩ tuyệt vời của nó, vì mở ra bước ngoặt đánh dấu sự ra đời chế độ xã hội mới, chấm dứt nạn bóc lột giữa con người với con người. Một thế kỷ đã đi qua, nhưng Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống, giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Mặc cho kẻ thù ra sức xuyên tạc, phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười là đã “mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”. Thật nực cười khi các học giả tư sản, cải lương cho rằng, Cách mạng Tháng Mười nổ ra là do “ý chí chủ quan” của V.I.Lênin, là một “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần túy” hay “cuộc bạo động phản dân chủ”... Thực tế lịch sử đã chứng minh, Cách mạng Tháng Mười nổ ra và giành thắng lợi là một tất yếu lịch sử, nó hội tụ đầy đủ các tiền đề khách quan, chủ quan với tình thế, thời cơ cách mạng đã chín muồi..
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là tất yếu bởi có sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đã vận dụng đúng đắn nguyên lý cách mạng của C.Mác vào thực tiễn nước Nga. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nhạy bén của Đảng Bônsêvích và V.I.Lênin đã kịp thời đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, đây là điều kiện quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Đảng Bônsêvích và V.I.Lênin đã sớm truyền bá chủ nghĩa Mác sâu rộng trong quần chúng nhân dân, vũ trang cho giai cấp vô sản bằng lý luận mácxít, gột rửa ảnh hưởng tư tưởng của chủ nghĩa “dân túy” và sớm trở thành lực lượng chính trị độc lập. Đảng Bônsêvích và V.I.Lênin đã linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, đó là xây dựng khối liên minh công - nông - binh vững chắc. Sự sáng tạo, độc đáo ở chỗ đã lập liên minh chặt chẽ giữa công nhân với những người nông dân mặc áo lính trong quân đội của chính phủ lâm thời tư sản tạo thành sức mạnh, lực lượng cách mạng to lớn. Ngày 3 tháng 6  năm 1917, Đại hội Xôviết toàn nước Nga họp và trong Đại hội này, những người Bônsêvích đã vạch trần tính chất thỏa hiệp với giai cấp tư sản và sự phản bội của chính phủ lâm thời. Những quan điểm của V.I.Lênin đã chứng minh một sự thật là chỉ có chính quyền Xôviết do những người Bônsêvích lãnh đạo mới đáp ứng được nguyên vọng của nhân dân lao động toàn nước Nga, đó là hòa bình cho đất nước, ruộng đất cho nông dân, việc làm và bánh mì cho người thợ. Bằng khả năng thuyết phục tuyệt vời và sức cuốn hút kì lạ, V.I.Lênin đã tập hợp được đông đảo quần chúng và binh sĩ, làm cho họ trở thành lực lượng to lớn của cách mạng, trong đó quân đội giữ vai trò nòng cốt. Với chủ trương hòa bình và phản đối chiến tranh đế quốc, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã nhận được sự đồng tình của đông đảo binh sĩ. Đây là tiền đề cần thiết cho việc tiến hành khởi nghĩa vũ trang.
Đảng Bônsêvích và V.I.Lênin đã linh hoạt lựa chọn các hình thức khởi nghĩa phù hợp với tình hình và thời cơ cách mạng. Tận dụng những điều kiện có thể để phát triển cách mạng bằng phương pháp hòa bình ngay trong các cơ quan lãnh đạo nhằm chuyển giao toàn bộ hay từng bước chính quyền vào tay những người Bônsêvích. Đây là sự vận dụng sáng tạo của V.I.Lênin trong hoàn cảnh bấy giờ, nó vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính sách lược. Tiếp đến là tổ chức những cuộc biểu tình của đông đảo quần chúng để làm hậu thuẫn, làm chuyển hóa tình thế, nhất là tương quan lực lượng trong từng giai đoạn của cách mạng. Việc kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên cơ sở vũ trang toàn dân có tác dụng thúc đẩy tiến trình của khởi nghĩa, sớm đạt được mục tiêu của khởi nghĩa./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét