Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Cách mạng Tháng Mười tiếp tục soi sáng con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên thế giới


       Tròn một thế kỷ qua kể từ khi Cách mạng Tháng Mười bùng nổ trên quê hương của V.I.Lênin, các thế lực đế quốc, phản động ra sức chống phá hòng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, hạ bệ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười bằng mọi âm mưu, thủ đoạn có thể. Đặc biệt, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các lực lượng phản động, xét lại, cơ hội chính trị ra sức tung hô, cho rằng Cách mạng Tháng Mười là “một sai lầm của lịch sử”, là “một cuộc cách mạng đẻ non”; chủ nghĩa xã hội không phải tương lai của nhân loại, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới là nấc thang cao nhất, là đích đến của xã hội loài người. Những luận điệu đó trên thực tế đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, làm lung lạc ý chí phấn đấu của không ít người cộng sản trên thế giới.
         Thực tiễn chứng minh, Cách mạng Tháng Mười đã nổ ra trong điều kiện ở nơi mà giai cấp công nhân và chính đảng của nó đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, nơi mà tình thế cách mạng đã chín muồi - nước Nga Xôviết. Không thể phủ nhận, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã phát triển với những thành tựu rực rỡ mà đỉnh cao là vào những năm 70 của thế kỷ XX. Trên thực tế chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ đó đã giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi nhất và trên một quy mô rộng lớn. Song, để củng cố những thành tựu đó, chủ nghĩa xã hội tất yếu phải phát triển theo chiều sâu, nói cách khác là phải tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới, khắc phục triệt để những khuyết tật của nó, đó là điều mà về mặt nhận thức đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc phát hiện và khắc phục những thiếu sót, khuyết tật của mô hình cũ về chủ nghĩa xã hội đã làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu bắt đầu lâm vào khủng hoảng và sụp đổ vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là một sự kiện đau lòng, một tổn thất vô cùng to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, làm cho chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào.
       Hơn 25 năm qua, kể từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ đến nay đã có hàng ngàn, hàng vạn bài viết của các nhà khoa học, các chính trị gia phân tích về sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu với nhiều góc độ khác nhau. Hầu hết đều cho rằng sự sụp đổ đó bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó sai lầm chủ quan là nguyên nhân sâu xa, trực tiếp nhất. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu chỉ là sự sụp đổ một mô hình chủ nghĩa xã hội. Cũng chính từ trong sự đổ vỡ đó, những người cộng sản chân chính đã kịp nhận ra rằng, sự thất bại hay sự biến dạng của chủ nghĩa xã hội ở nơi này hoặc nơi khác không phải do lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không phải do Cách mạng Tháng Mười tạo ra. Cách mạng Tháng Mười không gánh chịu những sai lầm chủ quan của các nhà lãnh đạo sau đó. Cách mạng Tháng Mười chính là mốc son chói lọi mở ra thời đại mới, chân trời mới với những chỉ dẫn khoa học, cách mạng cho con đường phát triển của xã hội loài người.
        Ngày nay thế giới có nhiều đổi thay, song những giá trị đích thực của cuộc sống được tạo ra từ Cách mạng Tháng Mười thì vẫn nguyên vẹn và tiếp tục lan tỏa. chủ nghĩa xã hội thế giới từ Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục phát triển theo xu thế tiến lên, bất chấp đã phải trải qua những khúc quanh co phức tạp, thậm chí thụt lùi tạm thời. Sự khẳng định đó là có cơ sở, bởi trên thực tế các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam sau những bài học thành công và thất bại của Liên Xô và Đông Âu đang tiếp tục con đường đổi mới, phát triển theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu to lớn, trong điều kiện có sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Những bất ổn chính trị ở nhiều nước trên thế giới do sự can dự thô bạo của chủ nghĩa đế quốc bằng “cách mạng màu”; tình hình xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông; tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế giữa các nước lớn và nước nhỏ, nước giàu và nước nghèo; tình trạng di cư của hàng triệu người dân ở các nước Trung Đông sang Châu Âu và tình trạng đói nghèo, dịch bệnh của người dân Châu Phi thời gian gần đây… càng cho thấy ý nghĩa, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười, thấy được bản chất tốt đẹp, ưu việt, nhân đạo, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.

        Cục diện thế giới hiện nay đang vận động theo xu thế có lợi cho các nước tư bản; mặc cho những dự báo bi quan hay thiếu thiện chí, chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, thậm chí có những hành trình táo bạo đầy thử thách. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa là bất diệt, là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ vẫn đang hướng tới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét