Cách mạng
xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công - sự kiện lịch sử vĩ đại đầu thế kỷ
XX đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể nhân loại, là thắng lợi đầu tiên của cách
mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Lịch sử càng lùi xa,
chúng ta càng khám phá và thấy rõ hơn giá trị của những tư tưởng Cách mạng
Tháng Mười. Bài học bảo vệ Tổ quốc mà Cách mạng Tháng Mười và sản phẩm trực tiếp
của nó là chế độ xã hội chủ nghĩa đã được chứng minh trong cuộc sống, hiện nay
càng trở nên có ý nghĩa và mang tính thời sự nóng hổi.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng
Mười thắng lợi, chính quyền Xôviết do V.I.Lênin đứng đầu đã bắt tay ngay vào
công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền Xôviết
non trẻ, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính chất là Tổ quốc. Trước mưu đồ phản kháng và sự xâu xé của
giai cấp tư sản phản động trong nước và quốc tế, V.I.Lênin đã nêu lên sự cần
thiết phải tỏ rõ thái độ của giai cấp công nhân đối với vấn đề bảo vệ Tổ quốc.
Người báo trước cho Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động của nước Nga Xôviết
rằng, giai cấp vô sản sau khi đã nắm được chính quyền phải sẵn sàng đối phó với
chính phủ tư sản và các lực lượng chống lại sự nghiệp cách mạng của giai cấp
công nhân và nông dân, phải tiến hành đấu tranh gian khổ để chống các nước đế
quốc xâm lược. V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng.
Để bảo vệ thành quả của Cách
mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đã đề cập khá toàn diện đến khả năng phòng thủ của đất
nước, đặc biệt là vấn đề xây dựng và củng cố quốc phòng. Trong xây dựng nền quốc
phòng, bên cạnh những tiền đề vật chất, V.I.Lênin đặc biệt coi trọng việc phát
huy mạnh mẽ ưu thế chính trị, tinh thần của chế độ mới, chế độ xã hội chủ
nghĩa, coi đó là cơ sở trực tiếp quyết định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng
nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật mới, có khả năng
không ngừng hiện đại hóa nền quốc phòng của đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình trong nước
và quốc tế, V.I.Lênin khẳng định sự cần thiết phải thành lập quân đội công nông
thường trực, chính quy và quy mô lớn. Bởi vì, để tiến hành chiến tranh chống kẻ
thù, nếu không có quân đội thường trực, chính quy được trang bị và huấn luyện tốt
là một điều không thể được, là diệt vong. Đầu năm 1918, V.I.Lênin đã ký sắc lệnh
thành lập Hồng quân và Hải quân công nông.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng
Mười Nga thành công, sắc lệnh hòa bình và nhiều quyết định quan trọng về xây dựng
và bảo vệ chế độ mới đã được ban hành. Những nguyên tắc mới trong quan hệ quốc
tế, những vấn đề về chống chiến tranh, bảo vệ đất nước của sắc lệnh hòa bình đã
tạo điều kiện quan trọng cho việc xây dựng, củng cố quốc phòng và lực lượng vũ
trang.
Trên cơ
sở vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ
thành quả cách mạng và bài học bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa sau thắng lợi của
Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của nước ta. Đảng Cộng sản Việt Nam
và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân,
xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám;
bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau thắng lợi của cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng nền quốc
phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện
tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những biến động phức tạp.
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh lịch
sử mới. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học và
công nghệ hiện đại đang phát triển như vũ bão đã tác động đến mọi mặt của đời sống
xã hội, nhất là đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng, xây dựng
quân đội. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn
biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ, răn đe quân sự, tận dụng những
thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại để không ngừng hiện
đại hóa quân đội, sẵn sàng tiến hành chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao chống
các quốc gia độc lập, có chủ quyền; xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới, chủ
quyền biển, đảo...
Quá trình hội nhập quốc tế
và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước ta vừa tạo ra những
thuận lợi, vừa mang lại những khó khăn cho việc xây dựng, củng cố và tăng cường
sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và
tác động tiêu cực đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những biểu hiện suy thoái về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống do tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế
thị trường, mở cửa, hội nhập và sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận
cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự buông lỏng trong giáo dục, quản lý của một số
tổ chức đang có chiều hướng gia tăng, dẫn đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”.
Trong những điều kiện đó,
nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân
dân, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo lý tưởng của V.I.Lênin và
theo tinh thần của Cách mạng Tháng Mười phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta
hiện nay cần quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương Tám (Khóa XI) về
“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội khóa XII
của Đảng, trong đó tập trung giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu: Giải
quyết tốt mối quan hệ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa trong thực tiễn; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn
dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được đặt dưới sự
lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét