Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Chủ nghĩa xã hội và quá trình hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Ở nước ta, do những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử nhất định, ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên (năm 1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chủ trương: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản; đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng chính phủ công nông binh; dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, giáo dục phổ thông; thu ruộng đất đế quốc chia cho dân cày nghèo...". Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất cả các mục tiêu trên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam bắt đầu thực thi trên thực tế. Việc ban hành Hiến pháp 1946 trong đó quy định địa vị pháp lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân; xóa bỏ các loại tô thuế phi lý của chế độ thực dân, phong kiến; tiến hành cải cách, chia ruộng đất cho nông dân... đó chính là sự hiện thực hóa các mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, là những sự thật lịch sử mà không một thế lực nào có thể phủ nhận được.
Những thập niên cuối của thế kỷ XX, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng, từng bước sụp đổ; đã xuất hiện không ít tư tưởng hoài nghi về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin đã tự vạch ra cho mình mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời lãnh đạo nhân dân từng bước hiện thực hóa mô hình ấy. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động; có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.
20 năm thực hiện Cương lĩnh (1991-2011), nhiều đặc trưng về chủ nghĩa xã hội đã được hiện thực hóa ở nước ta: thể chế chính trị do nhân dân làm chủ được bảo đảm thực hiện, quyền dân chủ của nhân dân không ngừng được tăng lên; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao... Điều đó cho thấy, chủ nghĩa xã hội không phải là ảo tưởng mà là hiện thực, hiện thực đó đang ngày càng sinh động ở nước ta; hiện thực đó không phải chỉ những người cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam tự nhận, tự thấy mà được các nước, các tổ chức quốc tế thừa nhận. Hiện thực đó đang là tấm gương cho nhiều quốc gia, dân tộc, nhất là những quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế - xã hội học tập. Bởi họ nhận thấy, mô hình ấy phù hợp với trình độ phát triển của họ, phù hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân nước họ. Hiện thực ấy cũng là những đòn giáng trả đanh thép dành cho những kẻ cơ hội chính trị bám theo đuôi phương Tây đang hàng ngày, hàng giờ kêu gào đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng xã hội hiện tại ở nước ta cũng chưa phải là chủ nghĩa xã hội hoàn hảo - với đầy đủ những đặc trưng như các nhà kinh điển xác định; nhận thức về chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam chưa phải là đã xong xuôi, hoàn thiện. Trong xã hội, ở mặt này, mặt kia vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém; có những yếu kém kéo dài chậm được khắc phục, nhiều trong số đó có nguyên nhân chủ quan. Đảng Cộng sản Việt Nam không lảng tránh, che giấu khuyết điểm mà chủ động tiến hành việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là biểu thị sự quyết tâm ấy. Trên phương diện lý luận, nhận thức chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng không phải là cái gì nhất thành, bất biến. Qua sự kiểm nghiệm của thực tiễn, nó không ngừng được thay đổi, bổ sung, những cái không phù hợp, phi thực tế sẽ bị đào thải, loại bỏ; những cái cần thiết đã được cập nhật cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) tiếp tục xác định những đặc trưng cơ bản của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Chúng ta đủ tự tin để khẳng định rằng, những đặc trưng về chủ nghĩa xã hội như trên sẽ được hiện thực hóa ở Việt Nam. Hiện tại, hằng ngày, hằng giờ, trên từng lĩnh vực cụ thể, những đặc trưng đó đang được hiện thực hóa: thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hiến pháp 2013.. .là những bước đi trong lộ trình hiện thực hóa những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh đã xác định./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét