Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

NHẬN DIỆN NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI DO CÁC PHẦN TỬ PHẢN ĐỘNG, CƠ HỘI CHÍNH TRỊ GÂY RA

Những biểu hiện cơ hội hữu khuynh ở nước ta hiện nay đã và đang xuất hiện trong bối cảnh đất nước vừa có thời cơ, vận hội lớn, vừa đứng trước nguy cơ, thách thức nghiêm trọng. Tư tưởng cơ hội hữu khuynh đó không chỉ được xây dựng trên một cơ sở lý luận xét lại nào đó, mà chỉ là sự cóp nhặt hỗn tạp giữa trào lưu triết học, xã hội học tư sản hiện đại, song lại chưa thoát được căn bệnh giáo điều đối với chủ nghĩa Mác-Lênin và mắc bệnh thực dụng. Điều này thể hiện thái độ và lối sống cơ hội nhằm trục lợi cả chính trị và vật chất, cố tình nhắm mắt trước lịch sử của dân tộc về quá trình phát triển đi lên CNXH là tất yếu, lợi dụng sự sụp đổ của Đông Âu và Liên xô để phủ nhận những thành quả cách mạng mà nhân dân các nước đó lựa chọn. Họ cho rằng bi kịch Xô viết như lời cáo chung cho Chủ nghĩa Cộng sản, là hệ quả tất yếu cho các nước XHCN còn lại sẽ sụp đổ như hội chứng đô-mi-nô. Đồng thời, những đối tượng này còn cho rằng CNXH không có cơ sở kinh tế vì chế độ XHCN ở nước ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường.
Một số quan điểm khác phủ nhận con đường phát triển đất nước theo hướng XHCN lại viện dẫn cơ sở lý luận phương pháp luận Mác xít về quá trình vận động của lịch sử như một dòng chảy lịch sử tự nhiên. Những người cơ hội trước kia đã từng giáo điều trong việc nhận thức về sự thối nát, giãy chết của CNTB, thì bây giờ họ lại ấu trĩ cho rằng thế giới TBCN ngày nay toàn những nước tư bản có nền công nghệ phát triển cao, toàn những con rồng, con hổ; rằng con đường tư bản đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng. Họ ngụy biện rằng không nhất thiết phải theo chủ nghĩa Mác- Lênin, xây dựng CNXH, không nhất thiết phải chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì đất nước mới phát triển. Từ đó vội vàng đi đến kết luận rằng CNXH chỉ là một lý thuyết của một học thuyết chưa được chứng thực, nếu có thì chỉ mới có sự chứng thực của sự thất bại và đổ vỡ.
Chúng xuyên tạc, trong nội bộ Đảng vẫn duy trì cái gọi là chế độ tập trung dân chủ, mà hầu hết các Đảng Cộng sản trên thế giới đã từ bỏ, vì thế thực chất, sự tập trung quyền lực bao giờ cũng đưa tới chỗ triệt tiêu dân chủ. Nhiều lắm dân chủ chỉ trở thành đồ rởm, chỉ có tác dụng trang trí cho sự tập trung quyền lực, đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp. 
Chúng tung ra luận điệu trong Đảng có phe cải cách và phe bảo thủ, có “nhóm lợi ích” từ lãnh đạo cấp cao và nhóm này chi phối toàn bộ các nhóm lợi ích ở cấp dưới. Chúng cũng bịa đặt rằng "điều này cho thấy phe bảo thủ đã thành công trong việc đặt nặng sự ổn định chính trị trong nước trước cải cách. Thành phần thủ cựu trong Đảng cộng sản lo ngại Nhà nước sẽ mất đặc quyền đặc lợi". Chúng tìm mọi cách bịa đặt, nói xấu cán bộ Đảng và Nhà nước, xuất hiện nhiều cuốn nhật ký, hồi ký tài liệu tung ra những chuyện giật gân trong sinh hoạt của các nhà lãnh đạo, đề cao người này, hạ thấp người kia, kích động, chia rẽ lãnh đạo cao cấp của Đảng, gây nghi ngờ nhằm chia rẽ nhân dân với Đảng.
Các đối tượng phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công kích đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là định hướng XHCN, tiếp tục phát triển kinh tế quốc doanh như "kinh tế thị trường và CNXH không thể hòa nhập được". "Kinh tế thị trường là kinh tế TBCN, do thời cuộc và do cuộc sống bắt buộc, chính quyền Việt Nam phải chọn sống chung với con hổ yêu tinh hiện đại này, thể nào sớm hay muộn cũng bị nó ăn thịt", thực hiện đường lối mở cửa, phát triển kinh tế thị trường là chế độ Cộng sản Việt Nam' đã uống liều thuốc đắng, kinh tế nhà nước là ung nhọt, là sân sau của những “nhóm lợi ích” cấp cao, là những tổ mối đục khoét của cải đất nước.
Xuyên tạc lịch sử, đòi lật án, chúng xuyên tạc "Thành quả cách mạng Tháng Tám là thành quả cay đắng. Chính quyền về tay nhân dân nhanh chóng rơi vào tay Đảng cộng sản", rằng "dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa đã giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu của dân tộc là do Đảng cộng sản gây ra”. Chúng vu cáo "cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc nội chiến, quân đội ta là những người lính đánh thuê của các thế lực hiếu chiến". Bôi nhọ lịch sử chính là một thủ đoạn phá hoại về tư tưởng, làm mất lòng tin.Tất cả các mũi tấn công trên đều nhằm vào phát triển mầm mống các nhân tố chống CNXH, thúc đẩy sự hình thành xã hội dưới tác động của hàng hóa, nguồn vốn phương Tây, hình thành tâm lý sùng bái đồng USD, lôi kéo thêm lực lượng cán bộ, đảng viên có quan điểm sai trái, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân để lấn át kinh tế nhà nước.
Tiếp tục phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh khi chúng cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu. Du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh "nồi da nấu thịt" suốt mấy chục năm là một sai lầm mà lịch sử không bao giờ tha thứ. Từ đó họ phát động chiến dịch bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bôi nhọ danh nhân mà họ gọi là chiến dịch "hạ bệ thần tượng". Gần đây chúng tung lên luận điệu "No Ho" phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc công lao, sự nghiệp vĩ đại của Bác. Thâm độc hơn, chúng tung ra luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác-Lênin. Chúng ngụy biện rằng, bây giờ học thuyết Mác-Lênin đã lỗi thời, chỉ dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao chủ nghĩa Hồ Chí Minh. "Chủ nghĩa Hồ Chí Minh" cũng ám chỉ chủ nghĩa dân tộc. Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, vì như vậy sẽ làm suy yếu tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tiến tới phủ định chính ngay tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với Cương lĩnh của Đảng.
Tấn công vào định hướng XHCN trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. Họ cho rằng Đảng ta đưa ra định hướng XHCN là thừa, vô nghĩa, do đó chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ, cần gì phải định hướng XHCN, vì theo họ dòng sông tự nó phải chảy ra biển, cần gì phải uốn nắn. Rằng: Việt Nam tiến lên CNXH bỏ qua TBCN là một điều kỳ quặc, trái quy luật, vì thế hãy tạm gác lại mục tiêu CNXH và lùi về với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là đúng đắn nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét