Từ
thực tiễn phát huy vai trò của quân đội trong đấu tranh phòng, chống âm mưu thủ
đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá sự nghiệp đổi mới ở nước ta
hiện nay, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên quan tâm tuyên truyền,
giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân tộc, tôn giáo nắm vững đường lối,
chính sách của Đảng, Nhà nước ta và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta. Với phương
châm: “kiên nhẫn, thận trọng, dân chủ, bình đẳng”, “gần gũi lắng nghe ý kiến
của nhân dân”, các đơn vị quân đội đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với
cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn tổ chức nhiều đợt
tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo. Chỉ trong năm 2013 và 2014,
đã tuyên truyền được 6.987 buổi/396.623 lượt người (trong đó vùng công giáo 2.126
buổi/174.654 lượt người)... Hàng năm có hàng
ngàn cán bộ, chiến sĩ với hàng chục ngàn phóng sự, đề tài, sách, bài viết được
truyền tải trên các phương tiện thông tin nhằm vạch trần âm mưu, thủ đoạn của
các thế lực thù địch. Nhờ đó, đã làm cho đồng bào các vùng dân tộc, tôn
giáo, các già làng, trưởng bản, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo
và cán bộ, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc đường lối, chính sách dân tộc, tôn
giáo của Đảng, Nhà nước, nêu cao
tinh thần cảnh giác cách mạng, linh hoạt xử lý chính xác các tình huống xảy ra.
Vì vậy, công tác tuyên
truyền, giáo dục phải được xác định
là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quân đội, cấp ủy đảng, chính quyền,
các đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương, được tiến hành thường xuyên bằng
nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Hai là, chủ động phòng ngừa, quản lý, giám
sát chặt chẽ hoạt động của đối tượng, giải quyết kịp thời, triệt để các vụ việc
phức tạp ngay từ cơ sở. Các đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ với địa
phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn 2.543 vụ truyền đạo trái pháp luật, vận
động nhân dân dỡ bỏ 120 nhà nguyện, điểm cầu nguyện trái pháp luật; đã vận động
giải quyết 1.442 vụ việc phức tạp vùng tôn giáo.Một số tổ, đội công
tác vận động quần chúng cùng với chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tố
giác tội phạm được 18.975 đối tượng; đấu tranh kiểm điểm 8.324 đối tượng; ngăn
chặn 1.258 vụ truyền đạo trái pháp luật. Do đó, cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa
các lực lượng trong và ngoài quân đội, nắm vững tình hình an ninh chính trị trên
địa bàn, kịp thời nắm bắt phân loại các đối tượng (đối tượng cầm đầu, chủ mưu;
đối tượng bị kích động, mua chuộc, lôi kéo…); xây dựng kế hoạch, theo dõi quá
trình diễn biến của vụ việc, kịp thời tuyên truyền, vận động đồng bào không
nghe, không tin, không làm theo kẻ địch; khi có đủ bằng chứng thì tách các đối
tượng chủ mưu, cầm đầu để đấu tranh khai thác; khi xảy ra tình trạng tụ tập
đông người phải nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý ngay
không để lây lan rộng.
Ba là, quan tâm xây dựng lực lượng, tiềm lực
và thế trận quốc phòng - an ninh, thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận
lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở, địa bàn đóng quân vùng đồng bào dân tộc, tôn
giáo, miền núi. Xây dựng lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng - an
ninh, thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo ra
sức mạnh tổng hợp, hình thành thế trận rộng khắp, chắc chắn, đủ sức để nắm tình
hình, kịp thời ứng phó, xử lý mọi tình huống xảy ra. Trong những năm qua, Quân
đội đã chủ động tham mưu và tham gia củng cố 9.700 lượt tổ chức đảng cơ sở;
5.300 lượt tổ chức chính quyền, trên 23.000 tổ chức chính trị - xã hội, bồi
dưỡng giới thiệu cho cấp ủy địa phương kết nạp trên 1.300 đảng viên, góp phần
xóa 107 thôn, bản đồng bào dân tộc chưa có đảng viên. Từ năm 2003 đến nay, các
đơn vị trong toàn quân đã phối hợp tham gia huấn luyện 30 vạn lượt dân quân tự
vệ, dự bị động viên, đấu tranh ngăn ngừa 17.230 vụ việc phức tạp, cùng địa
phương giải quyết 13.693 vụ việc phức tạp thu giữ 19.750 các loại tài liệu phản
động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đoàn kinh tế -
quốc phòng đã tham gia phối hợp cùng với địa phương bố trí, sắp xếp ổn định dân
cư trên địa bàn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, qua đó tạo ra hệ thống
“lá chắn thép” bảo vệ vững chắc vùng biên giới của Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy,
cần tập trung xây dựng lực lượng toàn diện, cả con người, cơ sở vật chất, vũ
khí trang bị, coi trọng phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh
phòng, chống âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc,
tôn giáo chống phá cách mạng với phát triển kinh tế gắn với giải quyết vấn đề
xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại vùng đồng bào dân tộc, tôn
giáo. Các đơn vị đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,
xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Kết
hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết vấn đề xã hội, tăng cường
quốc phòng - an ninh, đối ngoại sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, thế trận vững chắc
để kịp thời ngăn chặn những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng
vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta. Để làm được điều này, cần
huy động mọi tiềm lực sẵn có ở địa phương, phát huy tối đa sức người, sức của
trong xây dựng và bảo vệ địa phương. Tổ chức tốt các phong trào ở địa phương
như: “Phong trào đấu tranh tố giác tội phạm, bảo vệ trị an”, “Phong trào toàn
dân tham gia xây dựng (thôn, bản, phum, sóc) văn hóa”, “Phong trào bảo vệ cột
mốc đường biên”… Thực hiện kết nghĩa với địa phương và các đơn vị quân đội các
nước có chung đường biên giới, hải đảo nhằm giao lưu văn hóa, trao đổi thông
tin, tiến hành tuần tra chung để kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các tình
huống liên quan đến quốc phòng - an ninh hai nước.
Năm là, nắm vững và thực hiện tốt cơ chế
phối hợp giữa các các đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương các
cấp trong đấu tranh phòng, chống âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi
dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng. Sự phối hợp chặt chẽ
giữa các đơn vị quân đội với cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng vũ trang
trên địa bàn trực tiếp tạo ra những kết quả cao cho công tác đấu tranh phòng,
chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Ngược lại, sự phối hợp thiếu
một cơ chế cụ thể, rõ ràng sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong triển khai thực hiện
và phát huy vai trò của các lực lượng sẽ dẫn đến hiệu quả đấu tranh thấp. Các
hoạt động đấu tranh phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống
nhất của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, Chính phủ mà trực
tiếp là cấp ủy, người chỉ huy các đơn vị quân đội với cấp ủy đảng, chính quyền
địa phương các cấp. Các đơn vị quân đội và địa phương chủ động bàn bạc, thống
nhất cơ chế phối hợp, hiệp đồng; xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức,
biện pháp đấu tranh; xây dựng phương án đấu tranh và xác rõ định trách nhiệm
của các lực lượng tham gia, có tính đến các phương án dự phòng… Thường xuyên
thông tin cho nhau biết và nắm vững tình hình, diễn biến âm mưu thủ đoạn của
các thế lực thù địch; phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách, Công an,
Quân đội trong việc tham mưu, phối hợp hiệp đồng đấu tranh phòng, chống âm mưu,
thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá
cách mạng.
Âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo rất
tinh vi, xảo quyệt, có lúc ngấm ngầm, có lúc công khai, vừa hợp pháp, vừa bí
mật, bất hợp pháp, cả trong nước và ngoài nước, trên tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội. Vì vậy, các đơn vị trong toàn quân cần vận dụng linh hoạt,
sáng tạo những kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế
lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo phù hợp với điều kiện tự nhiên,
kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và nhiệm vụ của từng đơn vị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét