Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI CÓ CẦN ĐẾN CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN NỮA HAY KHÔNG?

Hiện nay, trước sự vận động phức tạp của tình hình thế giới, khi mà lợi ích quốc gia dân tộc được đề cao hơn ý thức hệ đã xuất hiện tỏ ra sự hoài nghi về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; về vai trò của Đảng Cộng sản cũng như vấn đề chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân?
Bàn về vấn đề này, có thể tiếp cận, luận giải dưới một số nét chính như sau:
Thứ nhất, lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đã được mở rộng,chủ quyền quốc gia được xác định trong không gian ba chiều (vũ trụ, lãnh thổ - lãnh hải và tài nguyên dưới mặt đất) và bị chi phối thêm chiều thứ tư: thời gian - triển vọng.Theo đó, lợi ích của một nước lớn có khi xuất hiện và được quan tâm trên mức bình thường không chỉ khi ở sát kề mà cả khi nó ở cách biên giới của họ cả ngàn dặm, có khi nó còn là một triển vọng của vài thập niên sau, thậm chí cả thế kỷ sau.Đó là lợi ích quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa và trong chiến lược toàn cầu hóa lợi ích của những nước lớn đang có tham vọng trên “bàn cờ lớn”.Vấn đề đặt ra là khi vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc được đề cao thì chính trị thế giới có cần đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân nữa hay không? Có thể tiếp cận, luận giải dưới một số nét chính như sau:
Thứ hai, chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân hiện nay có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện.Có thể tạm phân thành 3 nhóm chủ thể như sau.
Nhóm chủ thể hàng đầu hiện naylà các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với vị thế là đại diện cho lợi ích của quốc gia - dân tộc, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân nước mình và trách nhiệm với sứ mệnh lịch sử của GCCN toàn thế giới, đường lối đối ngoại của những quốc gia này (quan điểm và thực tiễn) là sự thể hiện tập trung thái độ với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Vị thế ấy cùng những quan hệ đa chiều giữa giai cấp và dân tộc, lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế, khiến cho nhóm chủ thể này có thể được xem là có nghĩa vụ nặng nề và phức tạp nhất với chủ nghĩa quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Nhóm chủ thể thứ hai là giai cấp công nhân và các Đảng Cộng sản, đảng công nhân, đảng cánh tả đang trong quá trình đấu tranh để xác lập quyền lực chính trị.Đặc thù của sự liên hiệp quốc tế của các đảng này là diễn ra ngay trong lòng của chủ nghĩa tư bản hiện đại.Tình trạng khá phức tạp này khiến cho các đảng cộng sản và cánh tả ở phương Tây phải tìm đến những biện pháp mềm dẻo để liên kết lực lượng. Nhiều thành tựu mà họ đạt được trong hai thập kỷ gần đây về dân chủ, tiến bộ xã hội đã xác nhận vai trò, vị thế của họ với đời sống chính trị quốc tế và góp phần điều chỉnh những cực đoan của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Với cái nhìn tổng thể, triển vọng phát triển của chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong vài thập kỷ tới tùy thuộc ở mức độ sâu sắc vào những nỗ lực hoạt động của nhóm chủ thể này.
Nhóm thứ ba là các chủ thể khác, mà tiêu biểu là các tổ chức xã hội dân sự vì một quá trình phát triển nhân bản và bền vững khá mạnh ở nhiều nước phương Tây vài thập niên gần đây. Sự tương đồng về mục tiêu, những quan tâm chung và cả những vấn đề mà phát triển hiện đại đặt ra là tác nhân khiến cho những chủ thể này có những điểm gần gũi về quan điểm và phối hợp hành động. Phong trào xã hội dân sự vì phát triển nhân bản và bền vững trên con đường vận động của mình đang tiếp sức và cộng hưởng với chủ nghĩa quốc tế.      
Thứ ba, sự “xuất hiện những hình thức tập hợp lực lượng mới”
Sau “sự kiện Đông Âu và Liên Xô”, chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân cũng mất gần một thập kỷ để tìm những hình thức liên kết và phối hợp hành động.Chủ nghĩa quốc tế được thể hiện qua mối quan hệ và hợp tác giữa các đảng vừa thông qua lý tưởng, ý thức hệ vừa biểu hiện thông qua quan hệ quốc gia dân tộc. Sự thay đổi trong chiến lược đối ngoại trong chính sách của các Đảng Cộng sản cầm quyền theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy và có tinh thần trách nhiệm quốc tế…đã có tác động rất tích cực cho một chặng phát triển mới của chủ nghĩa quốc tế.
Thứ tư, sự gắn bó lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc và lợi ích nhân loại là biểu hiện mới của chủ nghĩa quốc tế
Trình độ phát triển của thế giới đương đại đã đạt đến mức mọi vấn đề cụ thể đều có tầm vóc toàn cầu và mọi vấn đề toàn cầu đều chi phối những giải pháp cụ thể.Tất cả các Đảng Cộng sản và công nhân đều coi việc bảo vệ lợi ích chân chính của quốc gia dân tộc là một bộ phận của cương lĩnh hành động.
Chính trị hiện đại, mà cụ thể là các giai cấp cầm quyền ở các quốc gia hiện nay có một bộ phận lớn bị chi phối bởi tác động của toàn cầu hóa kiểu TBCN và chủ nghĩa quốc gia dân tộc hẹp hòi (thực ra là hai mặt của một vấn đề: quan hệ lợi ích giai cấp và dân tộc hiện đại). Cũng đã có không ít đảng phái khá say mê với “lợi ích quốc gia dân tộc” hay “chính phủ toàn cầu” mà quên mất họ là người đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động…  Sự gắn bó của các lợi ích giai cấp - dân tộc -  nhân loại hiện nay đối lập với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nó vượt qua chủ nghĩa nhân đạo chung chung trừu tượng và chủ nghĩa biệt phái. Biểu hiện tích cực nhất của nó chính là quá trình liên hiệp lại để giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Qua cách tiếp cận trên có thể khẳng định: lợi ích quốc gia - dân tộc đang nổi lên trong quan hệ quốc tế và có nhiều sắc thái mới song vẫn được giải quyết trên lập trường giai cấp thông qua quan điểm của mỗi nhà nước. Chính trị thế giới vẫn cần đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét