Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

KHẮC PHỤC NHỮNG BIỂU HIỆN TIÊU CỰC TRONG THỰC HIỆN DÂN CHỦ CƠ SỞ HIỆN NAY

Để thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ trong hệ thống chính trị cơ sở, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như nâng cao trình độ dân chủ; phát huy quyền làm chủ của mọi cán bộ, công chức, viên chức và gắn với quá trình giáo dục, rèn luyện lâu dài, để bồi dưỡng lập trường tư tưởng, phẩm chất năng lực làm chủ và bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cơ sở phần đông xuất thân từ giai cấp nông dân nên ít nhiều còn chịu ảnh hưởng của những lề thói, tư tưởng, nếp nghĩ, tác phong của nền sản xuất nhỏ. Trên thực tế không phải mọi cán bộ, công chức, viên chức đều hiểu đầy đủ bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, giữa bình đẳng về chính trị và phục tùng lãnh đạo... Do vậy, quá trình thực hiện Quy chế dân chủ trong hệ thống chính trị cơ sở là quá trình đấu tranh nhằm khắc phục những quan điểm, tư tưởng, nhận thức, tác phong lạc hậu.
Thực tế chứng minh, ở hệ thống chính trị cơ sở hiện nay vẫn còn hiện tượng vi phạm quyền dân chủ, quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cấp trên và cấp dưới chưa thật cởi mở, vẫn có cán bộ vi phạm nhân cách cấp dưới thuộc quyền; tệ tham nhũng, hối lộ còn tồn tại; tệ bè phái, cục bộ địa phương vẫn còn xảy ra ở một số nơi... Tình hình đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dân chủ hóa đời sống của đơn vị cơ sở, không phù hợp với đường lối dân chủ hóa của Đảng theo tinh thần của Chỉ thị 30/CT-TW, ngày 18-02-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Từ thực tế quá trình tổ chức, thực hiện Quy chế dân chủ ở trong hệ thống chính trị cơ sở hiện nay cần nhận diện và khắc phục một số hiện tượng như vi phạm dân chủ, vi phạm nhân cách của nhân dân, dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, tham nhũng... đó là:
Bệnh dân chủ hình thức.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường xuyên nhắc nhở mọi cán bộ đảng viên phải hết sức tránh bệnh dân chủ hình thức. Người chỉ rõ bệnh dân chủ hình thức, “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”(1). Đó là những kẻ lúc nào cũng khoe khoang mình là người cộng sản, vì dân, vì cách mạng, nhưng trong hành động lại không quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Họ nói dân chủ nhưng hành động lại không dân chủ. Về thực chất dân chủ hình thức là không dân chủ, đối lập với nền dân chủ kiểu mới của xã hội ta.
Thực tế trong hệ thống chính trị cơ sở hiện nay vẫn có bệnh dân chủ hình thức, biểu hiện bề ngoài có vẻ dân chủ, nhưng bên trong thì không lắng nghe, không tôn trọng, không tiếp thu ý kiến của tập thể, của quần chúng; khi có khó khăn thì ỷ lại tập thể, mượn cớ dân chủ để lảng tránh hoặc làm giảm trách nhiệm của mình; nói thực hiện dân chủ nhưng không chăm lo bồi dưỡng và tạo điều kiện cho quần chúng, cho mọi người phát huy quyền dân chủ. Cho nên, dân chủ hình thức là thứ dân chủ giả hiệu, mượn dân chủ để che đậy bệnh cá nhân độc đoán và chuyên quyền. Do vậy, trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta cần vạch rõ bản chất, hành vi của bệnh dân chủ hình thức, kiên quyết đấu tranh khắc phục để việc thực hiện dân chủ ở đơn vị cơ sở ngày càng tốt hơn, dân chủ hơn.
Dân chủ cực đoan
Dân chủ cực đoan thực chất là thứ dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật, đề cao tuyệt đối “tự do cá nhân”, coi nhẹ kỷ luật, kỷ cương. Đó là tư tưởng sai trái, tách rời dân chủ với kỷ luật, quyền lợi với nghĩa vụ... Nó là thứ dân chủ không có tổ chức, dân chủ tách rời tập trung, thực chất là coi thường các chuẩn mực, giá trị dân chủ, nguy hại của nó là biến đời sống sinh hoạt dân chủ trở thành thứ câu lạc bộ để cãi vã, kích động hành vi quá khích. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ cực đoan là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng: “Tự cho mình là đúng, hành động theo ý riêng, phát biểu theo ý riêng, không báo cáo và xin chỉ thị cấp trên, xem thường tổ chức và kỷ luật. Tư tưởng bản vị, coi bộ phận hoặc địa phương mình phụ trách như là một giang sơn riêng, kém tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, rốt cuộc là hại cho cả việc chung và việc riêng”.
Nhận thức rõ thực chất của dân chủ cực đoan để kiên quyết đấu tranh loại bỏ nó ra khỏi quá trình thực hiện Qui chế dân trong hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta hiện nay. Bởi vì, dân chủ bao giờ cũng gắn với lãnh đạo, với kỷ cương, pháp luật, không có dân chủ chung chung, dân chủ cực đoan, dân chủ vô hạn độ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, có tổ chức và có cơ chế thực thi dân chủ một cách chặt chẽ, thống nhất trong hệ thống chính trị ở nước ta. Do đó, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở trong hệ thống chính trị cơ sở phải tuân theo nguyên tắc, yêu cầu, nội dung thống nhất.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở trong hệ thống chính trị cơ sở phải nhằm quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của hệ thống chính trị cấp trên cơ sở. Kiên quyết chống mọi biểu hiện dân chủ vô hạn độ, dân chủ đa nguyên, dân chủ không có nguyên tắc, không có tổ chức kỷ luật. Dân chủ cực đoan là mảnh đất màu mỡ cho các hiện tượng tự do, vô nguyên tắc, vô kỷ luật... nảy nở và phát triển, làm mất đoàn kết nội bộ, phá hoại nguyên tắc tập trung dân chủ trong hệ thống chính trị cơ sở hiện nay.
Nhận thức rõ bản chất và hành vi biểu hiện của bệnh dân chủ cực đoan, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ thứ dân chủ đó; nghiêm cấm và xử lý thích đáng mọi hành vi lợi dụng dân chủ để đả kích lãnh đạo, đả kích cấp trên, chống đối mệnh lệnh, gây chia rẽ, bè phái trong nội bộ. Cần phải thấy rằng để nâng cao sức mạnh tổng hợp, xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị thì nhất thiết phải mở rộng dân chủ, nhưng luôn phải gắn với kỷ luật nghiêm minh. Điều đó không trái ngược với bản chất của dân chủ, không làm mất đi tác dụng của dân chủ mà còn tạo điều kiện cho dân chủ được thực hiện có hiệu quả, có nề nếp, vững chắc. Những khuynh hướng mượn cớ dân chủ, coi thường hạ thấp kỷ luật, kỷ cương đều phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ ra khỏi đời sống sinh hoạt dân chủ ở cơ sở.
Bệnh mệnh lệnh, quan liêu, tham nhũng, lãng phí
Bệnh mệnh lệnh xét về bản chất là sự phủ định dân chủ, là khuynh hướng tư tưởng, quan điểm tuyệt đối hóa kỷ luật, mệnh lệnh đơn thuần, lấy mệnh lệnh làm biện pháp hành chính duy nhất thay cho giáo dục, thuyết phục... Mượn cớ tập trung thống nhất để đề cao uy quyền cá nhân, hạn chế sinh hoạt dân chủ, không nghiêm túc tự phê bình và phê bình, không tôn trọng và tiếp thu ý kiến phê bình của cấp dưới và quần chúng. Bệnh mệnh lệnh thường dẫn đến thói gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền: “Bệnh mệnh lệnh tỏ ra ở chỗ hay dựa vào chính quyền mà bắt dân làm, ít tuyên truyền giải thích cho dân tự giác, tự động”. Bệnh mệnh lệnh tất yếu dẫn đến quan liêu, tiền đề dẫn đến tham ô, tham nhũng. Hồ Chí Minh chỉ rõ, bệnh quan liêu là những người phụ trách bất kỳ cấp nào không gần gũi cán bộ, không theo dõi công việc thiết thực, không theo dõi cán bộ để biết tính hết khả năng để thấy điều tốt thì khuyến khích, thấy điều xấu thì can ngăn giáo dục, giúp đỡ sửa chữa. Thế là cán bộ xa thực tế, xa nhân dân, không dân chủ.

Vì vậy, quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở trong hệ thống chính trị cơ sở cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ bệnh quan liêu, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, nắm vững nội dung, phương châm, phương pháp tiến hành Quy chế dân chủ để đấu tranh ngăn chặn không cho chúng nảy nở và phát triển. Cần sử dụng nhiều biện pháp, dựa vào lực lượng của quần chúng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình rộng rãi, dân chủ, công khai, tăng cường kỷ luật... Đó là những biện pháp có hiệu quả nhất để đấu tranh ngăn chặn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng, lãng phí trong đời sống dân chủ ở cơ sở.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét